Cách làm IELTS Listening dạng bài Map Labelling chi tiết

Cách làm IELTS Listening dạng bài Map Labelling chi tiết

11/06/2023

Nội dung chính

mục lục

     

    Dạng bài Labelling Maps and Plans là dạng bài khá quen thuộc và có tần suất xuất hiện cao trong bài thi IELTS Listening. Để giúp các bạn có định hướng tốt khi làm dạng bài này, trong bài viết dưới đây, Pasal sẽ đưa ra những hướng dẫn chi tiết. Hãy cùng theo dõi nhé!

    Tổng quát về dạng bài Map Labelling trong IELTS Listening

    Dạng bài Map Labelling trong phần thi IELTS Listening là dạng bài quen thuộc và có tần suất xuất hiện khá cao trong các đề thi IELTS. Map Labelling thường có mặt trong Part 2 (trước đây còn gọi là Section 2) của bài thi Nghe.

    Trong Part 2, các bạn sẽ được nghe một bài độc thoại về một chủ đề không phải học thuật. Điều này cho thấy các từ vựng được dùng trong bài cũng sẽ gần gũi với ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày hơn. Phần audio có thể là một thủ thư nói về những sự thay đổi về cách bố trí trong thư viện của một trường đại học hoặc bài giới thiệu của một hướng dẫn viên du lịch (tour guide) về các địa điểm tham quan ở một công viên quốc gia. Trong phần này, người nói sẽ trình bày liên tục, tuy nhiên vẫn sẽ có những chỗ ngắt quãng như Part 1.

    Trong dạng bài Maps and Plans, các bạn có nhiệm vụ lắng nghe đoạn audio thật kĩ và xác định các phòng, khu vực hay các đặc điểm khác nhau có trên bản đồ. Các bạn có thể nhận được một danh sách các sự lựa chọn, hoặc nếu không có danh sách, chính các bạn sẽ phải lắng nghe để tự điền đáp án. Trình tự các câu trả lời cũng như câu hỏi sẽ đi theo trình tự của audio.

    Các hình thức khác nhau của dạng bài Map Labelling trong IELTS Listening

    Giữa ‘Map’ (Bản đồ) và ‘Plan’ (Sơ đồ) sẽ có một vài khác biệt nhất định. Các điểm khác biệt này dù không quá quan trọng và ảnh hưởng tới việc nghe của bạn nhưng chúng lại có thể giúp chúng ta hiểu rõ và cặn kẽ hơn về bản chất của dạng bài.

     

    A map:

    • Khi địa điểm là không gian mở (an open space), người ta thường sử dụng từ ‘map’ để mô tả, bạn có thể sẽ được gợi ý việc sử dụng la bàn (compass) ở góc trên bên trái hoặc bên phải của bản đồ.

    • Một bản đồ có tỷ lệ nhỏ, chủ yếu dùng cho khu vực lớn (ví dụ như một công viên hoặc một thị trấn).

    • Trong một số các bài Map, người nói trong phần audio có thể trình bày những sự thay đổi được đề nghị đối với một khu vực.

     

    A plan:

    • Khi địa điểm là 1 toà nhà, người ta thường sử dụng ‘plan’ thay vì dùng ‘map’ và có thể sẽ không cần sử dụng đến la bàn.

    • Một sơ đồ thường có tỷ lệ lớn và được sử dụng cho một khoảng không gian nhỏ (ví dụ như một tòa nhà hay một căn nhà).

    • Trong phần Plan, thông thường người nói trong audio sẽ trình bày bài giới thiệu về một địa điểm.

    Một số vấn đề thường gặp khi làm dạng bài Map Labelling trong IELTS Listening

    • Khó khăn trong việc xác định phương hướng 

    Điều này có thể đến từ nhiều nguyên nhân, ví dụ như việc không nắm vững các từ vựng diễn đạt địa điểm và hướng đi hoặc khả năng nhận diện phương hướng yếu (ngay cả trong ngôn ngữ mẹ đẻ).

    • Bẫy trong IELTS Listening

    Thường là khi người nói trong audio đưa ra nhiều thông tin cùng một lúc, hoặc đưa ra một thông tin sai sau đó rút lại nội dung nói. Điều này được thiết kế để đánh giá khả năng chắt lọc thông tin phù hợp với nội dung câu hỏi của các bạn.

    • Sai chính tả

    Đôi lúc đề bài sẽ yêu cầu các bạn phải điền vào chỗ trống tên của một địa điểm thích hợp. Vì bạn vừa phải viết vừa phải nghe nên có thể viết sai chính tả từ cần điền.

    Lưu ý: Nhiều bạn thường có những nhận định sai lầm về dạng bài Map Labelling trong IELTS Listening, gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả khi làm dạng bài này. Sau đây là một số nhận định bạn nên xóa bỏ ngay để luyện thi IELTS hiệu quả hơn.

    • Không cần nghe kĩ context (ngữ cảnh được nêu đầu đoạn audio), dành thời gian đó để đọc bản đồ.

    → Điều này là hoàn toàn sai lầm vì khi lắng nghe được ngữ cảnh, các bạn sẽ phần nào hình dung ra được bối cảnh mình sắp nghe và nhiều khi còn có thể sử dụng common sense (lối tư duy thông thường) để hiểu và dự đoán nội dung một cách nhạy bén hơn.

    • Chỉ cần không nghe được một câu thì có thể những câu sau cũng sẽ không nghe ra.

    → Điều này cũng hoàn toàn không đúng bởi vì bài thi Nghe được thiết kế để các địa điểm và hướng trong các câu đều tách ra, không bị ảnh hưởng bởi nhau và luôn có cùng một điểm xuất phát. Trong các bài Maps hiện nay, người nói thường đứng ở một vị trí và đưa ra các hướng giả định như “nếu bạn đi thẳng bạn sẽ đến X” hoặc “khi bạn rẽ trái bạn sẽ thấy Y”. Chính vì vậy, nếu như bạn lỡ không nghe được một câu thì hãy cứ tập trung chú ý cho câu sau nhé!

    Các bước chính khi làm dạng bài điền vào bản đồ trong IELTS Listening

    Bước 1: Đọc thật kĩ hướng dẫn và khoanh vào WORD LIMIT (nếu có)

    Ví dụ: Write the correct letter, A-H, next to the Questions 14-20

    → Bạn cần điền đáp án là chữ cái, không phải từ. Nếu bạn vẫn điền từ, đáp án đó sẽ không được tính và bị mất điểm hoàn toàn cho câu hỏi đó. 

    Ngược lại, nếu đề bài nói rằng:

    Write no more than TWO WORDS for each answer

    → Đáp án có số chữ tối đa sẽ là 2, và chắc chắn sẽ có ít nhất một đáp án mang số chữ tối đa như vậy trong các hỏi (nếu các đáp án đều toàn bộ một chữ, thì phần trăm cao là sẽ có ít nhất một đáp án của bạn bị sai).

    Bước 2: Phân tích thật kỹ bản đồ, bắt đầu từ việc đọc ‘heading’ (tiêu đề của bản đồ)

    Các bạn nên tìm kiếm và khoanh vào “starting point” (điểm xuất phát, điểm này thường nằm ở phần dưới bản đồ, hướng chính Nam) trong bước 2, đây là tiền đề để khi các bạn kết thúc một câu có thể nhìn lại vị trí này, vì người nói sẽ luôn xuất phát từ đây để chỉ dẫn đi đến các địa điểm khác. 

    Ngoài ra, “landmarks” (các điểm có tên khác ở trong bài) cũng cần được xem xét kĩ vì từ các điểm này, người nói sẽ dựa vào để phân tích hướng đi của các câu trả lời. Nếu được, các bạn hãy nhớ và thuộc lòng các điểm trên. Việc làm quen với bản đồ sẽ giúp các bạn nhạy bén hơn với cách chỉ dẫn của người nói trong phần audio. 

    Đối với dạng 2 của bài, khi các bạn phải tự tìm một đáp phù hợp mà không có gợi ý từ khung lựa chọn, các bạn có thể dựa vào ngữ cảnh của bài, các “landmarks” có sẵn.

    Bước 3: Dự đoán hướng đi và các từ có thể được sử dụng trong bài

    Thông thường, các điểm nằm gần điểm xuất phát trên bản đồ sẽ được nhắc đến ngay trong những đáp án đầu tiên. Vậy nên các bạn có thể bắt đầu bằng cách định vị các điểm gần với điểm xuất phát và suy nghĩ các từ cũng như cách để người nói có thể hướng dẫn đi đến các điểm này (xem thêm phần từ vựng bên dưới để biết thêm nhé).

    Bước 4: Lắng nghe phần ngữ cảnh ở đầu bài để nắm rõ nội dung bài nghe đang nói đến

    Bước 5: Hình dung hướng đi và địa điểm

    Trong bước này, bạn hãy hình dung hướng đi và địa điểm, sau đó dùng đầu bút hoặc đầu ngón tay để đi theo hướng mà người nói chỉ. Tránh dùng mắt để dõi theo hướng vì các bạn rất có thể bị mất tập trung và làm mất dấu địa điểm.

    Bước  6: Chú ý cao độ tới những “signposting words” (từ chỉ dẫn báo hiệu sự thay đổi câu hỏi)

    Ví dụ: ‘to begin with, let’s take a look at …’, ‘the next thing I want to show you guys is …’, ‘let’s move to the final place on the map …’ 

    Nếu như bạn nghe được những từ này nhưng câu trả lời cho câu trước vẫn chưa xác định được, hãy đoán một đáp án và tiếp tục nghe, vì nếu cố gắng suy nghĩ, các bạn có thể sẽ mất đáp án của các câu sau.

    Bước 7: Trong quá trình nghe, các bạn có thể ‘take note’

    Hãy ghi chú lại một số từ khoá quan trọng trong quá trình nghe. Nhưng lưu ý rằng nếu bạn ‘take note’ quá nhiều cũng sẽ có thể gây mất tập trung.

    Bước 8: Không bao giờ để đáp án trống

    Các bạn cần nhớ rằng, những đáp án sai không bị trừ điểm mà chỉ mất điểm cho câu hỏi đó. Chính vì vậy, bạn không nên để đáp án trống, thay vào đó có thể ‘make an educated guess’ (đoán thử đáp án dựa vào số lượng lựa chọn còn sót lại), phần trăm đúng có thể là tầm 30% nếu bạn có 3 đáp án sót hoặc 50% nếu bạn chỉ đang phân vân giữa hai đáp án.

    Từ vựng cần thiết cho dạng bài Map Labelling trong IELTS Listening

    Từ vựng chỉ địa điểm:

    • North/ South/ East/ West: Bắc/ Nam/ Đông/ Tây

    • in the northeast/ in the southwest: nằm hướng Đông Bắc/ hướng Tây Nam

    • in the west corner: nằm ở góc phía tây

    • to the north/ to the west: về phía Bắc/ về phía Tây

    • in the eastern part of: nằm ở khu vực phía Đông của

    • slightly west of: hơi về phía tây của

    • on the left/ on the right: ở bên trái/ bên phải

    • on the left hand side/ on the right hand side: nằm bên phía tay trái hoặc tay phải

    • at the top/ at the bottom: ở trên cùng/ ở dưới cùng

    • above/ below: bên trên/ bên dưới

    • in the center of/ in the middle of: ngay giữa

    • in the corner of: nằm trong góc của

    • inside/ outside: bên trong/ bên ngoài

    • just past: vừa qua

    • before you get to: trước khi đi đến

    • next to/ next door/ adjacent to: kế bên

    • opposite: đối diện

    • in front of/ behind: ngay phía trước/ ngay phía sau

    • between A and B: nằm giữa A và B

    Từ vựng chỉ hướng đi:

    • go down x street/ road; take x street/ road; go straight x street/ road; go along x street/ road: đi vào đường x

    • take the first/ second/ third left/ right; take the first/ second/ third bend on the right/ left: rẽ trái/ phải ở ngã rẽ thứ nhất/ hai/ ba

    • on your left/ on your right; on your left-hand side/ on your right-hand side: bên trái/ bên phải của bạn

    Dạng bài Map Labelling trong IELTS Listening là một trong những dạng bài sẽ thường xuyên xuất hiện trong đề thi IELTS. Bạn có thể áp dụng cách làm chi tiết đã được hướng dẫn ở trên để “xử gọn” dạng bài Map Labelling và đạt điểm cao nhất có thể trong kỳ thi IELTS. Chúc các bạn thành công!

    Tác giả: Phương Loan - IELTS 8.0
    Giới thiệu về tác giả: Phương Loan - IELTS 8.0
    ảnh tác giả

    Mình là Phương Loan, giảng viên đào tạo IELTS tại Pasal. Với hơn 2 năm kinh nghiệm giảng dạy và tự hào là 1 trong 20 sinh viên có thành tích học tập xuất sắc của Khoa tiếng Anh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, mình mong rằng những kiến thức chia sẻ trên đây có thể mang lại giá trị hữu ích trên con đường học tập và phát triển của các bạn.

    Bình luận bài viết